Categories: Giáo dục mầm non

ĐÁNH GIÁ CHỈ SỐ APGAR, KỊP THỜI CHĂM SÓC TRẺ NHỮNG PHÚT ĐẦU SAU SINH

Published by
  • Nhóm Nhi – Sơ Sinh
  • Lượt xem

ĐÁNH GIÁ CHỈ SỐ APGAR– KỊP THỜI CHĂM SÓC TRẺ NHỮNG PHÚT ĐẦU SAU SINH

*Chuyên Mục Chăm Sóc Mẹ & Bé An Toàn Theo Tiêu Chuẩn Quốc Tế – Nhật Bản Tại Phương Châu*

Chắc hẳn ba mẹ đều rất quan tâm, những phút tuổi đầu đời của con sau khi sinh sẽ như thế nào?

Những phút đầu đời với 1 đứa trẻ sơ sinh là sự chuyển tiếp về các chỉ số sinh hiệu, là bước ngoặt quan trọng đánh dấu bước chuyển sinh tồn ở các cơ quan để giúp con bắt đầu một chức năng sống độc lập bên ngoài bụng mẹ. Với Sản-Nhi chúng tôi, sự đánh giá an toàn về nhiều yếu tố: hô hấp, nhịp tim, trương lực cơ, phản xạ, màu da là vô cùng quan trọng trong những phút đầu đời ngay sau sinh. Trong y khoa gọi là phương pháp đánh giá chỉ số APGAR.

Nó quan trọng bởi việc đánh giá này giúp đội ngũ hồi sức sơ sinh xác định thời điểm trẻ cần được hồi sức một cách phù hợp nhất . Đây là một quy trình quan trọng của đội ngũ Sản-Nhi nhằm tuân thủ chính xác phác đồ xử trí sơ sinh an toàn cho con khi chào đời, đó các mom ạ!

Ngày nay hệ thống tính điểm APGAR được công nhận là phương pháp đánh giá sơ sinh tiêu chuẩn. Thực hiện đánh giá điểm APGAR 1 phút và điểm APGAR 5 phút là quy trình tiêu chuẩn trong các phòng sinh trên thế giới và cả Việt Nam.

Vậy quá trình đánh giá chỉ số APGAR này như thế nào? Đặc biệt với quy trình tuân thủ theo tiêu chuẩn Sản khoa Nhật Bản với công cụ đồng hồ chuyên dụng đã giúp mang lại những lợi ích gì cho các con sinh tại Phương Châu. Mời các mom và gia đình cùng tìm hiểu với Phương Châu nha!

Hình 1: Bàn hồi sức sơ sinh với đồng hồ chuyên dụng cho việc đánh giá chỉ số APGAR luôn sẵn sàng tại phòng sinh Phương Châu

1. ĐIỂM APGAR LÀ GÌ?

Điểm APGAR là một bài kiểm tra đánh giá tổng thể sức khỏe của trẻ sơ sinh. Thang điểm này được sử dụng rộng rãi ở những cơ sở Sản-Phụ khoa. Phương pháp này đo lường dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm: hô hấp, nhịp tim, trương lực cơ, phản xạ, màu da. Mục tiêu của việc cho điểm chỉ số APGAR là giúp đánh giá tình trạng trẻ sơ sinh vừa mới chào đời và có cơ sở quyết định chính xác thời điểm bé được hồi sức sơ sinh nếu cần thiết để có hướng theo dõi chăm sóc y tế phù hợp sau đó.

Phương pháp này thường được thực hiện hai lần vào những khoảng thời gian riêng biệt sau khi sinh. Tính điểm APGAR đầu tiên được thực hiện vào 1 phút đầu tiên sau khi sinh. Kết quả của việc tính điểm này được gọi là “điểm APGAR 1 phút”. Việc kiểm tra thứ hai được thực hiện 5 phút sau khi sinh và được gọi là “điểm APGAR 5 phút”. Nếu em bé có điểm APGAR thấp, việc tính lại điểm APGAR có thể được thực hiện thêm vào thời điểm 10 phút.

Điểm APGAR có từ năm 1952 khi nó được phát triển lần đầu tiên bởi một bác sĩ gây mê tên là Virginia Apgar. Đây cũng là bác sỹ nghiên cứu về ảnh hưởng của gây mê sản khoa đối với trẻ sơ sinh. Ngày nay hệ thống tính điểm APGAR được công nhận là phương pháp đánh giá sơ sinh tiêu chuẩn. Thực hiện xét nghiệm Apgar 1 phút và 5 phút là quy trình tiêu chuẩn trong các phòng sinh trên khắp Hoa Kỳ và cả Việt Nam.

Hình 2: Chiếc đồng hồ chuyên dụng được cài đặt giờ báo hiệu chính xác cho việc theo dõi chỉ số APGAR cho trẻ sau sinh an toàn theo tiêu chuẩn Nhật Bản tại Phương Châu

2. ĐIỂM APGAR ĐƯỢC TÍNH NHƯ THẾ NÀO?

Hệ thống tính điểm APGAR bao gồm 5 yếu tố. Mỗi yếu tố có thang điểm từ 0 đến 2 điểm. Vì thế, một đứa trẻ sẽ nhận được điểm cao nhất là 10 điểm. Điểm cao nhất này được thể hiện sau phút thứ 5. Tuy nhiên, các mẹ yên tâm nhé, trong 1 phút đầu nếu đạt từ 8 điểm trở lên đã là rất tốt rồi vì trong phút đầu, nồng độ oxy trong máu thường rơi vào khoảng 60% do bàn tay, chân bé là xa tim nhất nên ta sẽ thấy các đầu chi của bé chưa đủ hồng hào để được đạt điểm cao nhất (* giải thích thêm ở cuối bài).

2.1. Bác sĩ sẽ kiểm tra màu da của trẻ, tập trung vào màu da của bàn tay và bàn chân

– Điểm 0: Cơ thể trẻ sơ sinh hoàn toàn nhợt nhạt hoặc có màu xanh, không có vùng nào ửng hồng.

– Điểm 1: Cơ thể trẻ sơ sinh hồng hào nhưng bàn tay, chân vẫn tím.

– Điểm 2: Toàn thân hồng hào kể cả tay chân

2.2. Theo dõi nhịp tim của trẻ

Bác sĩ sẽ sử dụng ống nghe để đo nhịp tim của trẻ sơ sinh. Đây thường được coi là yếu tố quan trọng nhất của điểm APGAR.

– Điểm 0: Không có nhịp tim.

– Điểm 1: Nhịp tim < 100 nhịp mỗi phút.

– Điểm 2: Nhịp tim ≥ 100 nhịp mỗi phút.

2.3. Kiểm tra phản xạ

Kiểm tra phản xạ của điểm APGAR còn được gọi là phản xạ cáu kỉnh. Việc kiểm tra là xem phản ứng của em bé với kích thích. Bác sĩ véo nhẹ trẻ để kiểm tra phản xạ của trẻ.

– Điểm 0: Không phản ứng với kích thích vật lý.

– Điểm 1: trẻ sơ sinh phản ứng với kích thích vật lý, nhưng chỉ phản ứng yếu hoặc nhăn mặt.

– Điểm 2: trẻ sơ sinh có phản xạ tốt, cử động tứ chi.

2.4. Kiểm tra trương lực cơ

Ở bước này, bác sĩ sẽ mở rộng cánh tay và chân và quan sát trẻ sơ sinh uốn cong và cử động cơ của chúng để đánh giá đáp ứng.

– Điểm 0: Không có hoạt động của tay và chân, trẻ sơ sinh không cố gắng cử động hoặc gập cơ khi bị kích thích.

– Điểm 1: Có cử động nhẹ của tay và chân, nhưng không vận động yếu.

– Điểm 2: Tích cực cử động cả tay, chân và các cơ.

2.5. Đánh giá hô hấp

Việc đánh giá chỉ số hô hấp giúp đo khả năng thở của trẻ sơ sinh sau khi sinh.

– Điểm 0: Trẻ sơ sinh hoàn toàn không thở, cần được cấp cứu ngay để kích thích hệ hô hấp.

– Điểm 1: Thở được nhưng thở chậm, yếu, thở nông. Em bé không thể hoặc khó khóc.

– Điểm 2: Thở mạnh với nhịp độ đều đặn, khóc mạnh sau khi sinh.

3. ĐIỂM APGAR BÌNH THƯỜNG LÀ BAO NHIÊU?

Điểm APGAR cuối cùng được tính bằng cách cộng điểm của cả 5 yếu tố sau khi đã kiểm tra. Tổng điểm cao nhất có thể là 10 và thấp nhất là 0. Nếu đánh giá cao hơn 7 thường được coi là dấu hiệu cho thấy trẻ có sức khỏe tốt, chỉ cần theo dõi, chưa cần hồi sức.

Nhưng trên thực tế, trong vài phút đầu, phần lớn các trẻ sơ sinh có tổng điểm dưới 10 vì những lý do vô hại như: các bộ phận cơ thể ở xa tim như tay và chân cần nhiều thời gian hơn để hồng hào.

– Nếu APGAR (1 phút) từ 8 điểm trở lên: là đạt, trẻ được đánh giá là an toàn.

– Nếu APGAR từ 4 đến 6 điểm: trẻ bị ngạt, cần được hồi sức.

– Nếu APGAR từ 3 điểm trở xuống: Tình trạng ngạt nguy kịch, cần phải hồi sức tích cực ngay.

Các chỉ số này thường được đánh giá sau 1 phút bé chào đời và sau 5 phút sau sẽ đánh giá lại. Nếu điểm APGAR 5 phút dưới 9, tiếp tục đánh giá thêm ở thời điểm 10 phút.

Điểm APGAR 1 phút thấp, có thể cho biết bé cần chăm sóc ngay về mặt y khoa. Tuy nhiên, điều này không nhất thiết báo hiệu trẻ sẽ có vấn đề sức khoẻ lâu dài. Đặc biệt khi trẻ có cải thiện mức điểm lúc đánh giá điểm APGAR 5 phút.

Nếu chỉ số APGAR dưới 3 vào những thời điểm sau (1, 5 & 10 phút), bé có nguy cơ bị tổn thương thần kinh lâu dài.

Hình 3: thang điểm đánh giá chỉ số APGAR luôn được đặt tại phòng sinh BVQT Phương Châu

Một số trẻ có thể có điểm APGAR thấp bao gồm: những trường hợp trẻ sinh non, trẻ bị dị tật bẩm sinh, con của bà mẹ có những bệnh lý kèm theo hoặc đã trải qua một cuộc sinh nở phức tạp, khó khăn…

Ngoài đánh giá chỉ số APGAR, bệnh viện có áp dụng kết hợp với quy trình xét nghiệm khí máu cuống rốn của em bé sau sinh. Ý nghĩa của việc xét nghiệm khí huyết động mạch rốn là đánh giá khách quan xem thai có bị nhiễm toan không cũng là dữ liệu hữu ích để chứng minh việc quản lý chuyển dạ được thực hiện đầy đủ.

5. KẾT LUẬN VỀ ĐIỂM APGAR

Mặc dù điểm APGAR có giá trị trong việc giúp nhân nhân viên y tế nắm bắt được tình trạng sức khỏe của em bé ngay sau khi sinh. Tuy nhiên không phải tất cả mọi trường hợp điểm số này đều có ý nghĩa ảnh hưởng đến mức độ khỏe mạnh lâu dài của đứa trẻ đó.

Điểm số này không hoàn toàn dùng để để dự đoán sức khỏe, hành vi, trí thông minh của em bé. Nó được thiết kế để giúp đội ngũ đỡ sinh biết được tình trạng tổng thể của trẻ vào thời điểm sau sinh. Từ đó giúp họ có thể nhanh chóng quyết định xem em bé có cần được chăm sóc y tế ngay lập tức hay không.

Ngoài ra, bởi vì đây là điểm tự đánh giá qua quan sát. Vì thế điểm APGAR mang ý nghĩa tương đối. Một người có thể cho em bé 7 điểm trong khi người khác có thể cho em bé 6 điểm. Đây là lý do tại sao điểm APGAR chỉ là một trong số thang điểm được sử dụng để đánh giá tình trạng chung cho trẻ sơ sinh.

(*) Nhờ hô hấp phổi mà phân áp oxy trong máu tăng lên, mạch máu phổi giãn ra và ống động mạch cũng bắt đầu co lại. Quá trình thích ứng với hô hấp phổi sẽ diễn ra đồng thời với sự biến đổi màu sắc da của trẻ sơ sinh thành màu hồng. Sự biến đổi chỉ diễn ra trong vài phút sau sinh một cách mạnh mẽ, để nồng độ bão hòa oxy trước ống động mạch của một bé sơ sinh đủ tháng sanh thường tăng lên trên 90% thì cần nhiều thời gian hơn nữa và sau phút thứ 10 nồng độ oxy máu đạt > 90% nên ta thấy bé hồng hào, lúc này bé đã thích nghi với môi trường bên ngoài bé khóc to, tay chân cử động linh hoạt và chỉ sô APGAR lúc này đạt cao nhất.

This post was last modified on Tháng Chín 21, 2023 10:27 sáng

Thu Hương

Là người yêu gia đình và trẻ em, luôn tìm kiếm cách chia sẻ kiến thức về giáo dục, tâm lý và ẩm thực, du lịch.. đặc biệt dành cho trẻ. Với niềm đam mê này, tôi hy vọng lan tỏa sự yêu thương và đồng lòng trong cộng đồng, mang lại lợi ích to lớn cho tương lai của các thế hệ nhỏ tuổi.

Published by

Bài đăng mới nhất

15 cách tiết kiệm tiền khi đi du lịch

Cập nhật : 18/12/2022 Những kế hoạch “đổi gió” đến các vùng đất mới sẽ…

6 tháng ago

Âm nhạc dành cho trẻ em

Âm nhạc dành cho trẻ em giúp bé phát triển trí tuệ, tăng khả năng…

6 tháng ago

Tổng hợp những cái tên cho bé trai bắt đầu bằng chữ D dễ nhớ và ấn tượng

Chữ D nằm top đầu bảng chữ cái Tiếng việt nên khi đặt tên con…

6 tháng ago

MỘT SỐ LỜI CẦU NGUYỆN MẪU

Trang Đầu | Mục Lục | << CHƯƠNG 2 | CHƯƠNG 4 >> | Hướng…

6 tháng ago

400+ Tên tiếng Anh cho con gái Hay, Đẹp, Ý Nghĩa, Dễ Đọc

Hiện nay, ngoài đặt tên tiếng Việt cho con trong giấy khai sinh, rất nhiều…

6 tháng ago

Đặt tên con theo ngũ hành tương sinh hợp mệnh với bố mẹ

Đặt tên con theo ngũ hành tương sinh hợp mệnh với bố mẹ như thế…

6 tháng ago