Khi mang thai, mẹ luôn cần sắt để tạo ra hồng cầu cung cấp cho cả mẹ và con. Tuy nhiên, có khá nhiều bà bầu thiếu sắt, dẫn đến nhiều tác động không tốt đến thai nhi. Vì vậy, bổ sung thực phẩm giàu sắt là việc mẹ cần làm ngay.
Vai trò của sắt đối với bà bầu
Để đánh giá xem bà bầu thiếu sắt hay cơ thể có bị thiếu máu hay không, chúng ta phải làm xét nghiệm nồng độ hemoglobin (Hb). Với nữ giới bình thường, tình trạng thiếu máu xảy ra khi nồng độ Hb trong máu dưới 12g/dl. Còn riêng với phụ nữ có thai, khi nồng độ Hb dưới 11g/dl sẽ được chẩn đoán là thiếu máu.
Bạn đang xem: Bà bầu thiếu sắt nên ăn gì để bổ sung?
Có nhiều nguyên nhân khiến mẹ bầu bị thiếu máu nhưng nguyên nhân phổ biến nhất là do bà bầu thiếu sắt. Vốn dĩ, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản rất dễ bị thiếu máu do chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng và dinh dưỡng chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Đặc biệt, khi mang thai, nhu cầu sử dụng sắt tăng lên để cung cấp cả cho mẹ và cho bào thai nên tình trạng thiếu máu lại càng dễ gặp. Thiếu máu do bà bầu thiếu sắt không chỉ ảnh hưởng đến mẹ mà còn tác động xấu đến thai nhi, khiến quá trình phát triển của thai bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tác hại nghiêm trọng nếu bà bầu thiếu sắt
Bà bầu thiếu sắt dẫn đến thiếu máu và ảnh hưởng xấu tới cả mẹ và thai nhi.
Với mẹ bầu
Khi bị thiếu máu, mẹ bầu không chỉ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt mà còn có thể dẫn đến nguy cơ bị sản giật, tiền sản giật, vỡ ối sớm. Khi bước vào giai đoạn chuyển dạ, quá trình chuyển dạ có thể kéo dài hơn, khiến mẹ mệt mỏi và có thể gây hại cho thai nhi, mẹ cũng dễ bị băng huyết sau sinh và dễ nhiễm trùng hậu sản. Sau khi bé chào đời, sản phụ cũng dễ bị thiếu sữa.
Với thai nhi
Trong thời gian mang thai, nếu bà bầu bị thiếu sắt, thiếu máu sẽ khiến bé không được cung cấp đủ hồng cầu để phát triển trong suốt quá trình nằm trong bụng mẹ, bé dễ bị suy dinh dưỡng. Khi sinh ra, bé thường nhẹ cân, bị vàng da sau sinh, thậm chí dễ bị sinh non.
Ngoài ra, nếu trong quá trình mang thai, mẹ bị thiếu máu sẽ làm tăng nguy cơ bé mắc các bệnh lý về tim mạch ở giai đoạn sau này.
Liên hệ hotline 0919 645 271 hoặc điền thông tin vào form dưới để đăng ký khám thai và sinh con trọn gói cùng bác sĩ Sản khoa giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm
Dấu hiệu cho thấy bà bầu thiếu sắt
Nhiều mẹ bầu khi mang thai chủ quan không thăm khám và cho rằng cơ thể mình luôn khỏe mạnh. Tại khoa Sản Phụ khoa, bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc đã từng tiếp nhận nhiều case bà bầu thiếu máu trầm trọng và phải truyền máu liên tục để duy trì sức khỏe trong khi chuyển dạ.
Để hạn chế những biến chứng và nguy cơ đáng tiếc, các mẹ cần đặc biệt lưu ý đến sức khỏe của bản thân. Cơ thể của mẹ có thể phát ra những dấu hiệu cảnh báo bà bầu thiếu sắt:
- Thường xuyên hoa mắt, chóng mặt, nhất là khi đứng lên ngồi xuống
- Da nhợt nhạt, thiếu sức sống
- Hay lơ đễnh, ít tập trung
- Đau đầu, mệt mỏi
- Chân tay dễ lạnh
- Nhịp tim bất thường và hay thở dốc
- ….
Bà bầu thiếu sắt nên ăn gì?
Để đảm bảo cơ thể có đủ sắt để tạo hồng cầu nuôi dưỡng mẹ và thai nhi, mẹ bầu cần bổ sung nhiều thực phẩm giàu sắt trong mỗi bữa ăn hằng ngày vì nhu cầu sắt của mẹ lúc này tăng cao hơn bình thường.
Xem thêm : Bà bầu không nên ăn gì trong 3 tháng đầu để phòng dị tật thai nhi?
Dưới đây là những thực phẩm giàu sắt mà các bà bầu thiếu sắt có thể tham khảo lựa chọn:
Thịt bò
Thịt bò là thực phẩm khá giàu sắt và cũng rất phổ biến trong bữa ăn của gia đình. Trong mỗi phần thịt bò có khoảng 2,5 – 3mg sắt. Trong đó, phần thịt nạc bò giàu sắt hơn phần có lẫn gân. Đặc biệt sắt từ động vật dễ hấp thụ hơn sắt từ thực vật nên mẹ có thể bổ sung thịt bò vào chế độ ăn hằng ngày để đảm bảo cơ thể luôn đủ sắt.
Rau bina
Bà bầu thiếu sắt nên bổ sung rau xanh, đặc biệt là rau bina vào thực đơn hàng ngày. Chỉ cần một nửa bát rau bina, mẹ bầu đã có thể cung cấp cho cơ thể 3,2mg sắt. Ngoài ra, rau bina còn rất giàu các dinh dưỡng tốt cho cơ thể mẹ và tốt cho sự phát triển của thai nhi như acid folic, vitamin C, canxi, Beta-carotene…
Cách chế biến rau bina rất đơn giản nên mẹ có thể làm mỗi ngày như xào rau không hoặc xào với thịt sẽ rất ngon.
Lòng đỏ trứng gà
Lâu nay, bà bầu vẫn được khuyên nên ăn trứng gà để cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi phát triển. Với những bà bầu thiếu sắt và thiếu máu thì trứng gà là nguồn thực phẩm mẹ không nên bỏ qua.
Hơn nữa, trong trứng gà còn chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein, sắt, canxi, photpho, các vitamin có lợi. Đặc biệt, lòng đỏ trứng là nơi chứa nhiều dinh dưỡng hơn cả.
Trong lòng đỏ trứng còn có cả các loại vitamin tan trong nước như B1, B6; các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, K. Chúng rất tốt và an toàn đối với bà bầu. Khi mang thai mẹ nên ăn 3 – 4 quả trứng gà mỗi tuần để có thể cung cấp nhiều dinh dưỡng cho cả hai mẹ con.
Chuối
Chuối là loại trái cây rất phổ biến. Chuối rất giàu sắt và các khoáng chất cần thiết cho bà bầu. Mẹ có thể ăn chuối mỗi ngày để cung cấp dinh dưỡng, đồng thời giúp giảm tình trạng táo bón thường gặp ở bà bầu.
Khi ăn chuối, mẹ nên ăn vào buổi sáng để cơ thể có thể hấp thụ được hết chất dinh dưỡng và giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu máu cho một ngày tràn đầy năng lượng.
Các loại đậu
Các loại đậu là nguồn cung cấp sắt và protein tuyệt vời. Các bác sĩ khuyến cáo bà bầu thiếu sắt có thể ăn thay đổi các loại đậu khác nhau như đậu xanh, đậu nành, đậu Hà Lan… Không chỉ dùng để chế biến thành các món ăn, các loại đậu sấy, rang cũng có thể là món ăn vặt để mẹ nhâm nhi cả ngày, vừa giúp mẹ không thấy đói, vừa cung cấp chất dinh dưỡng vượt trội.
Bí đỏ
Trong bí đỏ có chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein, sắt, canxi, amino acid, các loại vitamin… Nếu bà bầu bị thiếu sắt thì bổ sung bí đỏ sẽ giúp mẹ loại bỏ tình trạng này.
Xem thêm : Bầu ăn khoai lang được không? Lợi ích của khoai lang đối với sức khỏe của mẹ và bé
Tuy nhiên, khi chọn bí, mẹ nên chọn những quả chín vì chúng sẽ chứa nhiều canxi, sắt, kẽm, giúp bổ sung máu tốt hơn cho cơ thể.
Các loại hạt
Các loại hạt như óc chó, hạnh nhân, macca… được xem là thực phẩm vàng mẹ bầu nên bổ sung trong suốt thai kỳ. Chúng chứa nhiều sắt, omega-3, tốt cho sự phát triển cơ thể và trí tuệ của thai nhi. Mẹ có thể sử dụng những hạt này như đồ ăn vặt để nhâm nhi cả ngày.
Cháo bột yến mạch
Các nhà nghiên cứu đã chỉ răng rằng ăn yến mạch giúp mẹ ngăn ngừa tình trạng thiếu máu trong suốt thai kỳ. Thành phần yến mạch chứa nhiều chất xơ hòa tan, protein, sắt, canxi, magie, photpho… rất tốt cho sức khỏe.
Ăn yến mạch không chỉ ngăn ngừa tình trạng bà bầu thiếu sắt, thiếu máu mà còn rất có ích cho hệ tiêu hóa của mẹ, giúp làm giảm tình trạng táo bón hay rối loạn tiêu hóa mà nhiều mẹ bầu thường gặp phải.
Nước cam
Nước cam rất giàu vitamin C, giúp mẹ bầu hấp thu sắt tối đa. Hơn nữa, uống nước cam còn giúp tăng sức đề kháng, phòng tránh các bệnh thông thường để mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh.
Súp lơ xanh
Trong suốt quá trình mang thai, bà bầu thiếu sắt được khuyên nên ăn nhiều súp lơ xanh vì loại rau này có giá trị dinh dưỡng cao. Súp lơ xanh giàu sắt, canxi, protein, vitamin A, C … rất tốt cho bà bầu
Động vật thân mềm
Những loài động vật thân mềm, có vỏ cứng, sống dưới nước như ngao, sò, ốc, trai… rất giàu dinh dưỡng và có thể chế biến thành nhiều món ngon cho mẹ bầu. Ví dụ như trong 100gram nghêu thì có đến 28mg sắt. Lượng sắt này đủ cho nhu cầu sắt một ngày của mẹ. Đối với những bà bầu thiếu sắt thì thủy – hải sản chính là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời.
Sô-cô-la đen
Có thể nhiều người không biết nhưng sô-cô-la đen cũng là nguồn cung cấp sắt dồi dào cho mẹ bầu. Đây lại là món ăn vặt nhiều mẹ bầu yêu thích. Không những cung cấp sắt, trong sô-cô-la còn có hoạt tính chống oxy tương đối cao nên có thể giúp mẹ ngăn ngừa các bệnh lý về tim mạch. Tuy nhiên, chị em cũng lưu ý hạn chế ăn thực phẩm này vì nó có chứa cafeine có thể gây hại cho thai nhi nếu dùng quá nhiều.
Uống thuốc có chứa sắt
Một số bà bầu thiếu sắt do không tiếp nhận sắt có trong thực phẩm hoặc mắc một số bệnh lý liên quan, các bác sĩ có thể sẽ kê đơn cho mẹ bầu uống thuốc sắt. Tùy vào tình trạng thiếu sắt của mỗi người, bác sĩ sẽ kê loại thuốc phù hợp.
Lưu ý khi uống thuốc sắt mẹ bầu không nên uống chung với các sản phẩm từ sữa hoặc những thực phẩm giàu canxi. Uống thuốc sắt dễ khiến mẹ bị táo bón nên mẹ cần bổ sung thêm các sản phẩm giàu chất xơ để cải thiện tình trạng này.
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, bệnh nhân cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Hồng Ngọc để có thêm những thông tin hữu ích về sức khỏe và các chương trình ưu đãi hấp dẫn từ bệnh viện.
Nguồn: https://mamnonmangnon.edu.vn
Danh mục: Mẹ và bé