Những ngày nắng nóng, nhón một miếng thạch sương sáo mát lạnh, cảm nhận sự dai dai mềm mại tan trên đầu lưỡi. Hương vị thơm ngọt nhẹ nhẹ vương mãi nơi cổ… thiệt ưng cái bụng hết sức. Với người Việt mình, chế biến loại lá này thành các món ăn giải khát gần như đã là một thói quen của mỗi gia đình. Không chỉ là một món ăn ngon, chúng còn có những tác dụng rất tốt cho sức khỏe. Trong bài viết này, mời các bạn khám phá cùng Mộc Nhiên nhé!
- Tên khoa học: Platostoma Palustre, Mesona Chinensis, Mesona Palustris
- Tên tiếng Anh: Grass jelly, Chinese mesona
- Tên gọi khác: thạch đen, thủy cẩm, lương phấn thảo, tiên nhân đông
Đặc điểm của cây sương sáo
- Sương sáo là loại cây thân thảo với chiều cao khoảng tới 60cm. Cây thuộc dạng bụi thấp và gọn vì chúng cũng không phân quá nhiều nhánh. Trên thân cây có lông màu trắng.
- Lá thuôn dài, hình trứng. Phiến lá dày, có viền răng cưa ở mép lá. Lá có đường gân rất rõ và nhìn phiến lá hơi gồ ghề.
- Giống cây này có hoa mọc thành chùm, màu trắng hoặc hồng. Cây có quả thuôn dài, vỏ nhẵn.
- Chúng du nhập từ Trung Quốc, mọc ở các nơi đất cát, đất cỏ, đất khô hoang dại. Về sau, người ta tìm thấy ở khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Đây là một loại cây nông nghiệp quan trọng về kinh tế ở Đông Nam Á và Trung Quốc.
Ứng dụng của sương sáo trên thế giới
- Tại Đài Loan và Indonesia, người ta sử dụng bột để lợi tiểu.
- Người Đài Loan nấu sương sáo làm thành đồ uống nóng. Chúng có kết cấu sệt giống như súp đặc. Người Indonesia thì chuộng dùng bột hơn.
- Người Hoa sử dụng món ăn này để giải nhiệt, điều trị các bệnh về đường tiết niệu, giúp lợi tiểu.
Có lẽ ở Việt Nam, loài thực vật này mới phát huy hết công dụng tuyệt vời của nó. Từ rất lâu người Việt Nam đã coi đây là một món ăn dân dã phổ biến. Ban đầu, chúng được chế biến thành các món giải khát với tác dụng thanh nhiệt và thải độc. Về sau, vì những tính chất rất tốt cho sức khỏe, chúng đã được nghiên cứu và chế biến thành sản phẩm công nghiệp dưới hình thức bột khô và sương sáo đóng hộp. Xu hướng này vừa làm tăng giá trị kinh tế của cây sương sáo, vừa tạo thêm thị trường cho ngành trồng trọt.
Công dụng phổ biến của sương sáo trong ẩm thực
Thông tin chung về cách dùng
Cây sương sáo còn có tên gọi là cây thạch đen. Trong lá có hoạt chất pectrin, công dụng của loại chất này là tạo kết cấu gel. Sở dĩ được gọi là thạch đen vì khi nấu lá lên và để nguội thì dung dịch sẽ tự động đông lại thành khối màu đen.
Sương sáo thường được phơi khô hơn là dùng tươi. Vì thế trong tất cả các bài thuốc và món ăn, người ta đều cần phải lưu ý về đặc tính này. Ngoài ra, khi nấu lên thì mới có hiệu quả làm thành thuốc và món ăn. Thường sau khi phơi khô, chúng sẽ được xay nát rồi nấu. Có thể thêm bột sắn hoặc bột gạo. Để có thêm hương vị, các khối thạch đen sẽ được ăn với nước đường, nước cốt dừa, sữa tươi hoặc mật ong.
Đây là một món ăn chơi vừa tốt cho sức khỏe vừa rất dễ làm cho ngon miệng. Với kết cấu thạch, chúng tan mềm và mát rượi trong miệng. Hương vị của chúng rất thú vị: vừa thơm vừa đắng nhẹ nhưng là cái vị đắng dễ chịu và dễ gây nhung nhớ.
Cách làm sương sáo
Cách nấu thạch sương sáo từ thân lá khô
Muốn có được 1 kg sương sáo khô, cần thu hoạch khoảng 10 ký thân và lá. Thời điểm tốt nhất để thu hoạch là khi bắt đầu có nụ hoa. Cần cắt sát gốc để lấy hết cả thân và lá.
Xem thêm : Ủ sữa chua bao nhiêu tiếng TỐT NHẤT “không bị tách nước”
Để bảo quản, cần phơi thật khô theo cách sau: ngay khi thu hoạch sẽ phơi nắng nhẹ lần 1, sau đó cất đi rồi cách vài ngày lấy ra phơi tiếp đến khi thật khô thì cất kín để trữ dùng dần. Khi cần sử dụng, lấy phần cây đã khô để xay thành bột rồi lọc lấy nước.
Làm thạch từ lá tươi
Khi nấu từ lá tươi, cần nấu theo tỷ lệ lá và nước là 1:10. Nấu sôi lá với 8 lít nước khi thấy nhớt thì tắt bếp và lọc. Sau khi lọc, thêm 2 lít nước còn lại và cùng với 2 muỗng canh bột mì rồi tiếp tục nấu, để lửa nhỏ. Chuẩn bị sẵn đũa để khuấy kẻo dịch sẽ đông lại khi chưa kịp chín. Để nguội, thành phẩm sẽ là thạch có màu đen.
Bột sương sáo
Bên cạnh việc sử dụng lá tươi, thì người ta còn làm thành bột để bán ngoài thị trường. Việc sử dụng bột mang lại sự tiện dụng và nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu phải so sánh thì việc tự trồng và chế biến vẫn mang lại sự vệ sinh hơn cả.
Một số món ăn ngon tuyệt từ thạch đen
- Sương sáo nước cốt dừa hạt é
- Trà sữa sương sáo
- Sữa tươi sương sáo đường đen
- Sâm dứa thạch sương sáo
- Chè sương sáo
- Chè sương sáo hạt lựu
Công dụng của cây sương sáo trong y học
Ngoài ứng dụng phổ biến nhất trong ẩm thực thì đây còn là cây thảo dược với một số tác dụng đáng kể mà Đông y công nhận.
Chúng điều trị các chứng cảm mạo, viêm thận và viêm khớp cấp tính, hỗ trợ ngăn ngừa biến chứng bệnh tiểu đường, giúp hạ huyết áp và giảm mỡ máu.
Ngoài ra, loại cây này còn là nguồn chất chống oxy hóa tự nhiên, vì thế chúng tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể và có tác dụng hỗ trợ ngăn ngừa bệnh ung thư.
Vì chứa lượng calo rất thấp, nên việc sử dụng chúng còn hỗ trợ cho việc giảm cân. Tuy nhiên, nếu muốn giảm cân thì bạn đường dùng quá nhiều chất tạo ngọt nhé. Vì hương vị của thạch đen hơi đắng nên hầu hết mọi người thường dùng với siro có đường, sữa đặc hoặc nước cốt dừa. Tốt nhất chỉ nên dùng với trái cây tươi để kiểm soát lượng đường đưa vào cơ thể.
Thạch đen là nguồn cung cấp carbohydrate và chất xơ rất lớn. Những sự kết hợp đó làm cho loại thạch này trở thành một nguồn tăng cường năng lượng tuyệt vời.
Một số bài thuốc với lá sương sáo
- Bệnh tiểu đường: 30gr cây khô (dùng phần thân và lá), 30gr rau đắng đất khô, 50gr cây rung rúc. Sắc hỗn hợp nguyên liệu này với 500ml nước đến khi còn 200ml thì chia làm 2 lần uống hàng ngày.
- Thanh nhiệt: 20gr lá khô, 10gr lá dứa, 20gr cây thù lù, 20gr râu ngô. Sắc với 500ml nước. Sau khoảng 20 phút thì tắt bếp, dùng trong ngày.
- Cảm, ho: chỉ cần sắc lá khô với nước uống mỗi ngày 1 lần, uống khoảng 3 ngày sẽ thấy giảm rõ rệt.
Cách trồng và chăm sóc cây thạch đen
- Cây sương sáo được nhân giống bằng phương pháp giâm cành là chính. Chúng rất dễ phát triển thành cây con. Chỉ cần chọn cành khỏe cắm xuống giá thể đủ ẩm và đặt ở nơi mát mẻ, sau khoảng 2 – 3 tuần chúng bắt đầu ra rễ.
- Chúng cũng không đòi hỏi gì cầu kỳ về cách chăm sóc. Có thể để chúng lan ra mà không cần phải chú ý quá nhiều.
- Vì là cây thân thảo nên không ưa ngập úng. Cây có thể chịu cường độ ánh sáng vừa phải, không quá gay gắt.
- Việc bón phân không cần tuân thủ theo nhiều nguyên tắc, chỉ cần bổ sung dinh dưỡng trước mùa hoa và sau khi cắt tỉa để cây hồi phục và lên nhánh mới.
Phân biệt sương sâm, sương sa, sương sáo
Sương sáo cũng như sương sâm – đều được chế biến từ cây lá và làm thành thạch. Nhưng sương sa thì được chế biến từ một vài loại rong tảo biển bằng cách thức khá cầu kỳ với nhiều công đoạn. Sương sa có màu trắng sữa và kết cấu cứng hơn so với 2 loại kia, sương sâm màu xanh và sương sáo màu đen.
Giữa sương sâm và sương sáo còn nhiều đặc điểm khác nhau, như:
- Cây sương sâm là thân leo còn sương sáo thân thảo thấp. Hình dáng 2 cây này cũng rất khác nhau. Sương sâm có 2 loại cây: sâm lông và sâm láng. Sương sáo chỉ có 1 loại.
- Sương sâm được chế biến từ lá tươi trong khi sương sáo thường được chế biến từ thân lá khô hơn.
- Lá sương sâm còn được dùng làm rau, ăn với một số món rất ngon. Sương sáo thì có tác dụng chính đối với món giải khát, không được dùng làm rau.
Lưu ý khi sử dụng thạch đen
Sương sáo có kỵ gì không?
Có một số thông tin về việc chúng kỵ với mật ong. Hiện vẫn chưa có kết luận chính thức. Vì vậy, nếu sử dụng với mật ong, nên bắt đầu thử với một lượng nhỏ để bảo đảm không có bất kỳ phản ứng bất thường nào.
Những ai nên hạn chế sử dụng sương sáo?
- Chỉ nên ăn 1 phần sương sáo vừa phải mỗi ngày. Ăn quá nhiều có thể gây khó tiêu và đầy bụng. Trẻ con sẽ mất đi cảm giác thèm ăn nếu tiêu thụ quá nhiều thức uống giải khát này.
- Một số bệnh như dị ứng ngoài da, bệnh mãn tính, khí hư… không nên sử dụng.
- Nếu dùng loài thực vật này để chữa bệnh, cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc và tuân thủ đúng liều lượng.
Một số lưu ý khác
- Thạch sương sáo có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng chúng được chế biến bằng tay nên có thể không đủ vệ sinh an toàn thực phẩm. Thạch đen đóng hộp chắc chắn đã được thêm đường tinh luyện và các hợp chất bảo quản có thể gây hại cho sức khỏe của bạn, mặc dù bản thân nó rất tốt cho sức khỏe. Vì vậy, nếu bạn thích món ăn này, thử trồng một góc nhỏ trong vườn để tự chế biến nhé.
- Một khi đã chế biến thành thạch, chỉ nên sử dụng trong 1 – 2 ngày và bảo quản trong tủ lạnh.
- Mặc dù thạch đen có hàm lượng calo khá thấp nhưng lượng carbohydrate lại khá cao. Nó rất tốt để tăng cường năng lượng nhưng đối với những người hiện đang trong chế độ ăn kiêng carbohydrate chỉ nên tiêu thụ nó với số lượng vừa phải.
Tổng kết
Vừa là một món ăn giải khát tuyệt vời, vừa có những công dụng tốt cho sức khỏe, cây sương sáo dần dần chiếm một góc trong khu vườn của nhiều gia đình. Cách chế biến để làm thành thạch khá dễ, bạn hoàn toàn có thể tự làm cho an toàn nha.
©Copyright by Moc Nhien Farm
Nguồn: https://mamnonmangnon.edu.vn
Danh mục: Ẩm thực