1. Đặt vấn đề
1.1. Trong Lời nói đầu của cuốn Lịch sử trò chơi (Du hý sử) (1), tác giả Thái Phong Minh viết: “Trò chơi là một hiện tượng văn hóa quan hệ vô cùng chặt chẽ với con người. Trên thế giới hầu như không có ai trong đời mình không chơi qua trò chơi (…) Bản chất của trò chơi là một hoạt động giải trí sinh ra vì nhu cầu sinh lý của con người. Con người đều có bẩm sinh vui chơi, bẩm sinh này là do nhu cầu sinh lý bản năng của con người” (2). Thái Phong Minh cũng cho rằng trò chơi có ba đặc điểm cơ bản: tính giải trí, tính quy tắc và tính văn hóa. Ông cũng cho rằng: “Hoạt động trò chơi của con người thể hiện sức mạnh bản chất của con người, có ý nghĩa văn hóa sâu sắc”. (3)
Bạn đang xem: Trò chơi và thú tiêu khiển ở Huế: Trước đây và bây giờ – Văn Nghệ Huế
Hiểu theo lẽ trên thì chơi là một nhu cầu sinh lý của con người, tương tự các nhu cầu: ăn – mặc – ở – tình dục; đồng thời cũng là một hiện tượng văn hóa, cần được nghiên cứu, tìm hiểu. Nghiên cứu văn hóa Huế mà bỏ qua việc tìm hiểu trò chơi (và thú tiêu khiển) của người Huế, quả thực là một thiếu sót khó thể chấp nhận.
1.2. Trong cuốn sách nói trên, Thái Phong Minh dùng chữ du hý (Cao Tự Thanh dịch là trò chơi) để diễn tả mọi hoạt động do con người sáng tạo ra để phục vụ nhu cầu giải trí của mình. Tuy nhiên, trong bài này, chúng tôi sử dụng hai thuật ngữ: trò chơi và thú tiêu khiển để bàn về hai dạng hoạt động khác nhau, dù có cùng mục đích phục vụ nhu cầu giải trí của con người. Theo đó: [1] Trò chơi là một hoạt động/chuỗi hoạt động do một nhóm người cùng tổ chức và tham gia, theo các quy ước/nguyên tắc định sẵn, diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, tại một địa điểm cụ thể; [2] Thú tiêu khiển là những hoạt động hay sở thích nảy sinh từ nhu cầu giải trí của một cá nhân, không theo các quy ước/nguyên tắc định sẵn, thường được lặp lại nhiều lần với thời gian và không gian không xác định. (4)
2. Trò chơi và thú tiêu khiển ở Huế xưa
2.1. Tổng quan về trò chơi và thú tiêu khiển ở Huế xưa
2.1.1. Lịch sử
Từ đầu thế kỷ XIV, khi những lớp cư dân Đại Việt đầu tiên, trong diễn trình Nam tiến của dân tộc, đặt chân đến vùng đất sau này là xứ Huế (5), cũng là lúc họ du nhập vào đây các trò chơi dân gian của đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, để đáp ứng nhu cầu giải trí, tiêu khiển của mình. Trong thời kỳ đầu, những trò chơi ấy vẫn là những trò vui quen thuộc của cư dân châu thổ sông Hồng, sông Mã, sông Cả…; mang đậm dấu ấn của văn minh nông nghiệp và hoàn toàn tự phát. Đó là những trò chơi hàng ngày của trẻ em như: đánh khăng, đánh đáo, chơi diều, đá cầu, chọi gà, chọi cá, chọi dế…; hay là những trò vui tập thể, gắn liền với các lễ hội dân gian của cộng đồng như: đua ghe, đấu vật, đu tiên…
– Sang thời các chúa Nguyễn (1558 – 1775), nhà nước còn đứng ra tổ chức các trò vui nhân các dịp lễ lượt cho dân chúng được vui chơi, giải trí. Ðiều này được phản ánh trong sách Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm: “Lại kể năm Cảnh Trị thứ 10, Nhâm Tí, tháng 2, (6) chúa Hiền nhàn hạ, triệu trai gái xã Hạ Lan tới trước gác Quyển Bồng, bày cuộc chơi đùa làm vui: đánh cờ người, đá cầu, xích đu. Có thể nói là một thắng hội. Khi ấy các quan liêu, dân bách tính trai già gái trẻ, dắt con ôm cháu, cùng tới xem chơi, không thể đếm xiết”. (7)
Từ cuối thế kỷ XVII trở đi, khi làn sóng di dân của người Hoa xuống các nước Đông Nam Á trong thời kỳ “mạt Minh – sơ Thanh” trở nên phổ biến, cùng với việc phố Thanh Hà ở phía đông đô thành Phú Xuân trở thành một thương cảng tấp nập, cũng là lúc xứ Huế tiếp nhận thêm cộng đồng Hoa kiều đến buôn bán, làm ăn và sinh tụ lâu dài. Chính cộng đồng Hoa kiều này đã du nhập vào xứ Huế những trò chơi và thú tiêu khiển mới, có gốc gác từ Trung Hoa như: tài bàn, mạt chược, đăng mê (8), tự mê (9)…
Việc nhà Nguyễn chọn Huế làm kinh đô trong gần 1,5 thế kỷ (1802 – 1945) đã biến nơi đây thành một chốn đô hội. Văn nhân, tài tử, các bậc thức giả từ khắp nơi tụ hội về Huế đã làm nảy sinh nơi đây lớp người thượng kinh và theo đó là một lối sống kinh kỳ. Ðiều này góp phần tạo nên những nét đặc sắc trong lối sống, cách ứng xử, cũng như trong việc thưởng ngoạn, vui chơi và tiêu khiển của người Huế. Chính lớp người thượng kinh này là những người khởi xướng các trò chơi và thú tiêu khiển mới ở Huế như: các hình thức diễn xướng cung đình, ca nhạc Huế, thành lập thi hội để ngâm vịnh bình phẩm thơ văn, thả thơ, đánh thơ… Quan lại, quý tộc triều Nguyễn có dịp đi sứ Trung Hoa, được tận mắt chứng kiến các trò chơi mới lại ở xứ người, hoặc đọc trong các sách vở viết về đời sống cung đình Trung Hoa nên đã học hỏi, bắt chước những trò chơi ấy, rồi cải chế ít nhiều, tạo thành những trò chơi hay thú tiêu khiển mới để phục vụ cho nhu cầu giải trí của giai cấp mình như: đầu hồ, xăm hường… Mặt khác, họ cũng tiếp nhận, cải biên và “nâng cấp” các trò chơi dân gian thành những trò chơi mới, phù hợp với lối sống quyền quý của họ. Nhờ đó mà các trò chơi và thú tiêu khiển ở Huế ngày càng phong phú, độc đáo và mang sắc thái riêng, khi so sánh với những các trò chơi và thú tiêu khiển ở các vùng khác của Việt Nam.
Ðến thời thuộc Pháp (từ cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX), nhiều trò chơi và thú tiêu khiển có nguồn gốc châu Âu được du nhập vào Huế như: đá banh, pingpong (bóng bàn), domino, billard, bài tây, nhảy đầm, ca nhạc thính phòng… dần dần trở nên thịnh hành, cùng tồn tại với những trò chơi và thú tiêu khiển truyền thống.
Bên cạnh đó, một số trò chơi truyền thống của xứ Huế cũng có những thay đổi cho phù hợp xu thế của thời đại. Chẳng hạn như trò thả thơ, thay vì dùng thơ chữ Hán các tác giả Trung Hoa đời Ðường – Tống – Minh như trước, nay người chơi chuyển sang dùng thơ chữ Nôm của các tác giả Việt Nam như: Trần Tế Xương, Tản Ðà, Ưng Bình, Nguyễn Khoa Vy… để thả; hoặc như trong trò mạt chược, vốn du nhập từ Trung Quốc, nguyên thủy chỉ có 136 quân cờ, về sau phát sinh thêm 16 quân cờ: mai, lan, cúc, trúc; xuân, hạ, thu, đông; tổng, đồng, vạn, sách; hoa, nguyên, hỉ, hợp (thường gọi là 4 bộ hoa), nâng tổng số quân cờ thành 152 quân.
2.1.2. Các đặc điểm
Nhìn tổng thể, trò chơi và thú tiêu khiển truyền thống ở Huế có các đặc điểm sau:
– Trò chơi và thú tiêu khiển ở Huế gồm hai bộ phận hợp thành: trò chơi dân gian và trò chơi cung đình.
Các trò chơi dân gian ở Huế đa phần xuất xứ từ miền Bắc, theo chân các lưu dân Nam tiến du nhập vào Huế, rồi được các thế hệ hậu sinh tiếp nhận, cải biên cho phù hợp với phong tục, thủy thổ nơi vùng đất mới và duy trì từ đời này sang đời khác. Cũng có những trò chơi dân gian không có gốc gác miền Bắc, mà được hình thành trong quá trình tụ cư và mưu sinh trên vùng đất này, ít nhiều chịu ảnh hưởng của phong thổ, tập tục và văn hóa bản địa hay văn hóa Champa như: ù mọi (10), bài tới (11); hay các trò chơi không rõ gốc tích, rất phổ biến ở Huế nhưng hiếm thấy ở các vùng khác như các trò: bài vụ, bầu cua tôm cá,…
Trò chơi cung đình Huế đa phần có nguồn gốc từ Trung Hoa, được các tầng lớp trên ở Huế tiếp nhận, điều chỉnh và cải biên cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đời sống cung đình Huế; phù hợp với tâm tính và thể trạng của con người xứ Huế.
– Trong diễn trình tồn tại của các trò chơi và thú tiêu khiển ở Huế đã xảy ra hiện tượng “cung đình hóa trò chơi dân gian” và “dân gian hóa trò chơi cung đình”.
Chẳng hạn như trò thả diều. Con diều Huế vốn gốc gác từ con những diều đơn sơ của đám con nít nơi thôn dã như diều phên, diều lá… Về sau, nó được người lớn phát triển thành con diều có kiểu dáng phức tạp hơn, bắt mắt hơn như diều bướm, diều sáo. Và sau cùng, nó được lớp người quyền quý, giàu có đầu tư tiền của biến thành những tác phẩm nghệ thuật biết bay, tinh xảo và lộng lẫy sắc màu, như diều rồng, diều phụng… hay trở thành một loại hình “múa rối trên không”, mô phỏng tích tuồng xưa như đại bàng cướp công chúa, chèo bẻo đánh quạ… Hay như trong bộ môn ca Huế, có khi ca từ là những bài ca dao, những bài vè trong dân gian hay của các tác giả khuyết danh (như bài Cảnh đẹp Huế đô trong làn điệu chầu văn), nhưng cũng có những làn điệu, những khúc ca có ca từ là những bài thơ, bài phú do các thi sĩ chuyên nghiệp, hay các bậc thức giả sáng tác (như bài Phẩm tiết do công chúa Mai Am sáng tác; hay bài Tứ đại cảnh là một trước tác của vua Tự Ðức).
Ngược lại, có nhiều trò chơi cung đình đã vượt khỏi chốn cung cấm, lan ra phố phường và thôn xóm ngoại thành, được tầng lớp bình dân tiếp nhận, thay đổi hình thức chất liệu hay cải biên hoặc bổ sung một vài chi tiết cho phù hợp với địa vị và lối sống của họ. Chẳng hạn, trò chơi xăm hường vốn xuất phát từ trong cung, về sau lan ra ngoài dân chúng và dường như người Huế nào cũng biết chơi trò này. Có điều, bộ xăm hường của vua hay của quan lại cao cấp thường làm bằng ngà đựng trong những chiếc hộp được chạm cẩn tinh xảo, trên các thẻ xăm khắc những chữ Hán như: tú tài, cử nhân, tiến sĩ, hội nguyên, thám hoa, bảng nhãn, trạng nguyên (12). Trong khi đó, bộ xăm hường của dân chúng thường chỉ làm bằng xương hay bằng gỗ, trên các thẻ xăm hiếm khi khắc tên các thẻ xăm (tú tài, cử nhân, tiến sĩ…) mà chỉ khắc các chữ Hán: nhất chú (1 điểm, tương đương tú tài), nhị chú (2 điểm, tương đương cử nhân), tứ chú (4 điểm, tương đương tiến sĩ), bát chú (8 điểm, tương đương hội nguyên), thập lục chú (16 điểm, tương đương thám hoa hay bảng nhãn), tam thập nhị chú (tương đương trạng nguyên).
– Có một sự phân định vô hình giữa những hạng người có địa vị xã hội và nghề nghiệp khác nhau trong việc tổ chức, tham gia và thưởng ngoạn các trò chơi và thú tiêu khiển ở Huế.
Chẳng hạn, trò chơi đầu hồ chỉ phổ biến trong cung vua, phủ chúa, mà không thấy lan truyền trong dân gian, dù thể lệ chơi và điều kiện để tổ chức trò chơi này không quá khó khiến các tầng lớp dưới không thể theo kịp. Người ta cũng chỉ thấy trò thả thơ, đố thơ xảy ra nơi các vương phủ và thành phần tham dự đều là những bậc phong lưu, cao nhã, có học thức chứ không phải là những tay trọc phú lắm tiền ít chữ. Cũng chưa bao giờ có một quan chức nào, dù là võ quan, so tài trong các sới vật đầu năm ở các hội làng, cho dù họ là người đã từng tỉ thí trong các kỳ thi võ do triều đình tổ chức. Ðiều này là hệ quả của sự khác biệt địa vị xã hội, trình độ học vấn và nghề nghiệp của các thành phần dân cư trong xã hội.
– Các trò chơi và thú tiêu khiển ở Huế có tính mùa vụ, hợp thời, hợp cảnh.
Trong sách Ô châu cận lục, tác giả Dương Văn An từng viết: “Xuân sang thì mở hội đua thuyền với nhiều trai thanh gái lịch, hạ đến thì bày cuộc viếng thăm với nhiều chốn múa nơi ca” (13). Thực vậy, các hội đua ghe, đua trải ở Huế thường được tổ chức vào mùa xuân hoặc mùa thu, là những lúc nông nhàn hoặc lúc nhà nông vừa thu hoạch xong mùa vụ và bắt đầu thực hành các lễ tế “xuân thu nhị kỳ” để cầu nguyện hay tạ ơn trời đất giúp cho mùa vụ được “phong đăng hòa cốc”.
Không ai thả diều hay du thuyền trên sông Hương trong những ngày mưa dầm gió bấc, cũng như không ai tổ chức thưởng trà vào những trưa hè oi bức, bởi lẽ các cuộc mạn trà chỉ thực sự mang đến cho ẩm khách cảm giác khinh khoái vào những buổi sáng mùa đông giá rét. Thiên nhiên và thời tiết xứ Huế vừa là tác nhân hình thành các trò chơi và thú tiêu khiển ở Huế; vừa ảnh hưởng trực tiếp đến không gian, thời gian diễn ra các cuộc vui ấy.
– Trò chơi và thú tiêu khiển ở Huế, ngoài mục đích giải trí, mua vui còn nhằm để khoa trương tài nghệ, trình độ thẩm mỹ, sự tinh xảo, khéo léo và cả tri thức, học vấn của người dự cuộc.
Ở Huế có khá nhiều trò chơi mang tính cờ bạc, đỏ đen. Nặng thì có tài xỉu, tổ tôm, tứ sắc, bài xẹp, bài tây…; nhẹ thì có bài tới, bài chòi, xăm hường, cờ quân, cờ oi… Song người Huế cũng có nhiều trò vui mà yếu tố đỏ đen không là chính yếu. Người Huế thích chơi các trò thả thơ, đố thơ, đố hình… vì trong các trò này, sự uyên bác, trình độ học vấn là yếu tố quyết định thắng phụ, chứ không phải yếu tố đỏ đen hay các chiêu thức sát phạt như các trò cờ bạc khác. Tương tự, người ta tìm đến các hội bài chòi, bài thai là để được thưởng thức những câu hò, giọng hát, để đắm mình trong không khí rộn ràng của cuộc vui hơn là để thử vận may rủi. Thậm chí, trong trò xăm hường, khi “đổ” được lục phú hường, theo luật thì “thâu toàn cuộc” và thắng gấp đôi, nhưng nếu điều đó xảy ra vào ngày đầu năm mới thì người thắng không lấy đó làm vui mừng mà sinh ra lo lắng, bởi họ cho rằng “đỏ quá hóa đen”, “tận hên hóa rủi”.
– Nhiều trò chơi và thú tiêu khiển ở Huế có mối quan hệ mật thiết với những dòng sông ở vùng đất này.
Những trò đua ghe, đua trải thường tổ chức các kỳ xuân tế, thu tế; những trò vui trong các cuộc lễ cầu ngư ở Thuận An, An Truyền… đều gắn bó với các dòng sông như sông Hương ở Huế, sông Bồ Ðiền ở Quảng Ðiền, sông Ô Lâu ở Phong Ðiền, hay các vùng đầm phá Tam Giang, Cầu Hai, Lăng Cô… ở vùng duyên hải phía đông. Những trò tiêu khiển như: câu cá, thưởng thức ca Huế trên sông, ngủ đò… cũng đều gắn liền với sông nước.
Có những trò vui tuy diễn ra trên cạn, nhưng lại có gốc gác gắn bó với sông nước như hát tập chèo, hò bả trạo… Ngay cả trò thả diều cũng thế. Ðừng tưởng những cánh diều bay lượn trên bầu trời xanh thì không có quan hệ gì với sóng nước của những dòng sông xứ Huế. Vị trí được các tay chơi diều ưa thích là những bãi đất ven sông, vì ở những nơi này mới có một khoảng không thoáng đãng để nâng bổng cánh diều. Dòng sông xanh, bầu trời xanh khiến những cánh diều đủ màu sắc đang vi vu giữa hai tấm phông xanh tự nhiên kia sẽ trở nên lộng lẫy hơn, quyến rũ hơn. Vì thế mà trong những trưa hè cháy bỏng, ngang qua cầu Trường Tiền hay cầu Phú Xuân, người ta thường thấy những cánh diều chao lượn trên bầu trời, in bóng xuống dòng Hương trong xanh. Sông Hương đã đọng lại trong tâm thức người dân xứ Huế một tình cảm dịu dàng, quyến rũ, thì cũng in dấu lên những trò tiêu khiển ở Huế như nguồn cội của niềm hứng khởi và lạc thú, mà thiếu nó, hẳn những thú vui của miền đất này sẽ không trọn vẹn và phong phú đến vậy.
– Trò chơi và thú tiêu khiển ở Huế rất phong phú, đa dạng, hướng đến nhiều đối tượng và thỏa mãn nhiều nhu cầu của người chơi, từ thể chất đến trí tuệ, tâm hồn.
Có những trò chơi chỉ dành cho đám đông và do đám đông tổ chức như: đua ghe, đu tiên, đấu vật, đá banh… song cũng có nhiều thú giải khuây chỉ dành cho một nhóm người, thậm chí một người như: đánh cờ, thả diều, ngâm vịnh thi văn hay thưởng trà, chơi cổ ngoạn… Có những trò chơi nhằm phô diễn sức mạnh cơ bắp và rèn luyện thể chất như: đua ghe, đấu vật… nhưng cũng có trò chơi để rèn trí như đánh cờ, hay khoe tài học vấn như thả thơ, đố thơ…; có trò chơi thể hiện sự khéo léo như đầu hồ, đá kiện, hay khoe sự sáng tạo như làm diều và thả diều, nhưng có thú vui lại thể hiện một ước mơ về học vấn cho bản thân và gia đình như đổ xăm hường hay thể hiện một khát vọng liên lạc giữa cõi dương với cõi âm, giữa hư với thực như trò cầu tiên.
2.1.3. Phân loại trò chơi
Có rất nhiều cách phân loại trò chơi như dựa vào đặc trưng tâm lý, sinh lý (14) của trò chơi, hay dựa vào tính chất và chức năng của trò chơi. (15)
Ở đây, chúng tôi dựa vào quy mô tổ chức và số người tham dự để phân chia trò chơi và thú tiêu khiển ở Huế thành ba nhóm nhỏ:
– Trò chơi và thú tiêu khiển mang tính cộng đồng như các trò: đua ghe, đấu vật, đu tiên, kéo co, nhảy bao bố…
Xem thêm : Quy đổi pound sang ounce đơn giản, chính xác #2023
– Trò chơi và thú tiêu khiển mang tính hội nhóm như: thú ngâm vịnh, đối họa thi văn, thưởng thức ca nhạc, thú uống trà; các trò chơi: thả thơ, đề thơ trên lồng đèn, đổ xăm hường, đầu hồ, hay các trò cờ bạc khác như: tứ sắc, bài xẹp; tổ tôm, kiệu, tài bàn, mạt chược…
– Trò giải trí và tiêu khiển mang tính cá nhân như: thú non bộ, chơi hoa kiểng, ngủ đò, chơi cổ ngoạn, chơi sách…
Tuy nhiên, sự phân định này chỉ có tính tương đối vì có những trò chơi, thú tiêu khiển xếp vào nhóm này hay nhóm kia đều được. Ví dụ: uống trà có thể là thú vui của một người nhưng khi có một nhóm người thường xuyên tụ họp để thưởng trà, bình thơ thì thú vui đã mang tính tập thể, hội nhóm; hay như trò đầu hồ, khi một người chơi thì ngoài mục đích thư giãn, đó còn là việc tập luyện tính kiên trì, khéo léo của cá nhân, nhưng khi có hai hay ba người cùng tham gia thì trò này đã mang tính hội nhóm và cần phải có luật chơi để phân định thắng thua… Cũng phải tùy lúc, tùy nơi để xếp trò này, thú kia vào nhóm này hay nhóm khác, vì việc tách bạch rõ ràng sẽ là rất khó khăn và khiên cưỡng. Đây cũng chính là nét đặc thù cần phải lưu ý khi xem xét, khảo cứu về trò chơi và thú tiêu khiển ở Huế xưa.
2.2. Trò chơi và thú tiêu khiển ở Huế xưa như là một di sản văn hóa
Trò chơi và thú tiêu khiển được hình thành nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm lý và sinh lý của con người, đáp ứng mục tiêu giải trí của mọi tầng lớp xã hội. Đó cũng là những sản phẩm văn hóa, kích thích tính sáng tạo của con người và phản ánh nhiều mối quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong bối cảnh mà nó tồn tại. Trong Lời người dịch cuốn sách Lịch sử trò chơi của Thái Phong Minh, dịch giả Cao Tự Thanh cho rằng: “Việc tìm hiểu trò chơi như một giao điểm của hoạt động sản xuất vật chất, sản xuất tinh thần và giao tiếp xã hội, vì vậy sẽ góp phần rất lớn trong việc làm sáng tỏ truyền thống và hiện trạng, định hướng và xu thế văn hóa – xã hội của một dân tộc, một quốc gia”. (16)
Trên tinh thần ấy, chúng tôi cho rằng trò chơi và thú tiêu khiển ở Huế xưa đã phản ánh nhiều vấn đề trong xã hội đương thời như: thân phận và địa vị của nhiều hạng người khác nhau trong xã hội; các mối quan hệ ứng xử của con người với tự nhiên và xã hội; phong tục tập quán; sự giao thoa và hội nhập văn hóa…
Trên khía cạnh vật chất, sự hình thành và phát triển của trò chơi và thú tiêu khiển còn là “bà đỡ” hay là “bệ phóng” cho nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ, thông qua việc chế tác đồ chơi. Muốn tổ chức trò chơi, ngoài quy tắc, thể lệ, người chơi, cần phải có đồ chơi. Chính nhu cầu sản xuất đồ chơi để phục vụ cho trò chơi và thú tiêu khiển đã góp phần làm cho nhiều ngành nghề thủ công truyền thống ở Huế phát triển như nghề chế tác đồ ngà, đồ xương (làm đồ chơi cho các trò xăm hường, mạt chược); nghề khảm cẩn, điêu khắc, chạm trổ (làm đồ chơi cho các trò đầu hồ, xăm hường, cờ tướng); nghề đan lát (làm đồ chơi cho trò cờ oi); nghề làm giấy và khắc in mộc bản (để làm ra các bộ bài tới, bài tây, tổ tôm, bài xẹp); nghề bồi giấy, nghề làm lồng đèn (để phục vụ cho các trò chơi thả diều, đố thơ, đố hình trên lồng đèn); nghề làm đồ gốm (để phục vụ cho các trò chơi bịt mắt đập om, đầu hồ)…
Bản thân các món đồ chơi cũng là những tác phẩm thủ công mỹ nghệ rất tinh xảo, có giá trị thẩm mỹ cao. Nhiều món đồ chơi ngày xưa được lưu giữ từ đời này sang đời khác đã trở thành những cổ vật vô giá. Chẳng hạn như các bộ đầu hồ bằng pháp lam và bằng gỗ quý hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (17); bộ xăm hường bằng ngà voi đang trưng bày ở lăng vua Tự Đức (18); bộ xăm hường của phò mã Nguyễn Hữu Tiễn đang lưu giữ tại phủ thờ công chúa Ngọc Sơn (19); bộ đồ uống rượu bằng ngà voi đặt trong chiếc giá hình lồng đèn của vua Đồng Khánh (20)…
Những bộ sưu tập cổ vật của các nhà sưu tầm ở Huế như Nguyễn Xuân Hoa, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Diên, Lê Đắc Minh…; những bộ sách quý trong các tủ sách gia đình của các học giả như Hồ Tấn Phan, Nguyễn Hữu Châu Phan, Phan Thuận An, Vĩnh Cao, Nguyễn Đắc Xuân… không chỉ là hiện thân sinh động của thú chơi sách, thú chơi cổ ngoạn của các vị chủ nhân sưu tập mà còn là những di sản văn hóa, di sản tri thức quý báu đã được lưu truyền và gìn giữ cho xứ Huế, cho văn hóa Huế.
Có thể nói rằng, trò chơi và thú tiêu khiển ở Huế xưa là những di sản văn hóa tinh thần và di sản văn hóa vật chất mà đời sau cần phải trân trọng, gìn giữ. Đó cũng là những bộ phận tổ thành của văn hóa Huế và tạo nên các hệ giá trị của văn hóa Huế.
3. Trò chơi và thú tiêu khiển truyền thống trong đời sống đương đại ở Huế
3.1. Sự mai một của các trò chơi và thú tiêu khiển truyền thống để nhường chỗ cho các trò chơi và thú tiêu khiển mới
Sau khi nhà Nguyễn cáo chung (1945), hoàn cảnh kinh tế – xã hội ở Huế có nhiều biến đổi; thân phận và địa vị xã hội của tầng lớp quý tộc, quan lại, nho sĩ… trước đây không còn như trước, khiến họ phải thay đổi lối sống, ứng xử, thói quen, sở thích… của mình. Điều này tác động khá nhiều đến sự tồn tại và duy trì các trò chơi và thú tiêu khiển có nguồn gốc cung đình ở Huế. Giờ đây, những người xuất thân từ tầng lớp đế vương, quý tộc, quan liêu xưa không có nhiều điều kiện để duy trì các trò chơi và thú tiêu khiển như trước, không chỉ vì điều kiện kinh tế khó khăn mà còn do những áp lực vô hình từ bối cảnh xã hội đương thời.
Ở một phía khác, từ năm 1947 đến năm 1975 chiến tranh bùng nổ, lan rộng và ngày càng ác liệt khiến đời sống của người dân xứ Huế bị xáo trộn; không gian yên bình của các làng quê không còn; nhiều bộ phận dân cư phải ly tán đến những vùng đất mới; những sinh hoạt hội hè truyền thống nơi làng quê phải tạm ngưng vì nhiều lý do khác nhau. Vì thế, các trò chơi truyền thống trong dân gian cũng bị phôi pha, thậm chí biến mất do không có không gian và thời gian phù hợp để tổ chức, duy trì.
Ngoài ra, sự du nhập của nhiều trò chơi, trò giải trí mới có nguồn gốc từ các nước Âu – Mỹ đã khiến cho nhiều người dân Huế từ bỏ các trò chơi và thú tiêu khiển truyền thống để tìm đến các trò vui mới lạ hơn, hiện đại hơn, hấp dẫn hơn.
Trong bối cảnh đó, nhiều trò chơi và thú tiêu khiển truyền thống ở Huế đã bị mai một, lãng quên, thậm chí thất truyền.
Kết quả khảo sát do chúng tôi tiến hành trong năm 1996 nhằm thu thập thông tin, tư liệu để biên soạn cuốn sách Trò chơi và thú tiêu khiển của người Huế, cho thấy nhiều trò chơi và thú tiêu khiển ở Huế, do không được duy trì thường xuyên nên dần rơi vào quên lãng để nhường chỗ cho những trò vui mới, hợp thời, hợp cảnh hơn.
Chúng tôi đã thống kê được ba nhóm trò chơi và thú tiêu khiển truyền thống vẫn còn được người Huế biết đến nhưng khác nhau về mức độ biết chơi và sự phổ biến của trò chơi trong đời sống đương đại ở Huế. Cụ thể như sau:
– Các trò chơi và thú tiêu khiển vẫn còn nhiều người biết chơi và thường xuyên tổ chức chơi như: đua ghe, đấu vật, kéo co, nhảy bao bố, thả diều, đổ xăm hường, chơi bài tới (với các hình thức như bài chòi, bài ghế), bài xẹp, tứ sắc, chọi gà, cờ tướng, bài vụ, bầu cua tôm cá, thưởng thức ca nhạc Huế, chơi hoa kiểng, chơi non bộ, chơi cổ ngoạn, chơi sách quý…
– Các trò chơi và thú tiêu khiển còn ít người biết chơi và hiếm khi tổ chức chơi như: mạt chược, bài kiệu, tổ tôm, tam cúc, cờ oi, cờ quân, cờ chồng, bài đôi, chọi dế, thưởng trà, ngâm vịnh thơ văn, đá kiện,…
– Các trò chơi và thú tiêu khiển không còn người biết chơi hoặc không được tổ chức chơi như: bài thai, thả thơ, đố thơ, đố hình, tài bàn, đầu hồ, đối hoạ thơ văn, ngủ đò,…
Thay vào đó, nhiều trò chơi và thú tiêu khiển mới du nhập sau này nhưng rất phát triển như: billard, pingpong, đá banh, đánh vũ cầu, aerobic, thể dục dưỡng sinh, đặc biệt là các môn cờ bạc như: tiến lên, phỏm, xì tẩy, xì lát, binh xập xám, bài cào, các trò cá cược đỏ đen… (21)
3.2. Sự cải biên các trò chơi và thú tiêu khiển truyền thống cho phù hợp với cuộc sống đương đại.
Ngoài tình trạng mai một và biến mất, một số trò chơi và thú tiêu khiển truyền thống còn “tự thay đổi” để phù hợp với cuộc sống mới. Chẳng hạn như trong môn cờ tướng. Thay vì bày một ván cờ truyền thống với đủ 32 quân cờ và chơi từ đầu cho đến khi tàn cuộc, người ta bày ra trò cờ thế, là hình thức chơi những ván cờ chỉ có năm, bảy quân cờ với thế cờ sắp tàn cuộc. Hay như trong trò thả diều, bên cạnh những cánh diều rồng, diều phụng, diều bướm… như trước đây, người ta còn sáng tạo những kiểu diều mới như: diều máy bay, diều tên lửa, diều siêu nhân… và cải tiến kỹ thuật thả diều từ chỗ một dây diều chỉ thả một con diều đổi thành một dây diều có thể thả hai, ba con diều cùng một lúc hay kỹ thuật điều khiển diều máy bay ném bom hay phóng tên lửa…
Sau năm 1975, một số trò chơi và thú tiêu khiển truyền thống ở Huế được phục hồi với nhiều cải biên so với trước, từ thể lệ, địa điểm tổ chức, số người tham dự… cho đến hình dáng, vật liệu của đồ chơi. Chẳng hạn ca Huế trước đây chỉ là một hình thức ca nhạc thính phòng, thường do một nhóm bằng hữu tổ chức. Họ mời nhạc công và ca sĩ tới tư gia biểu diễn và thưởng ngoạn như một thú vui tao nhã, lịch lãm và để thỏa mãn niềm đam mê nghệ thuật. Thế nhưng từ đầu thập niên 1990 trở về sau, khi du khách đến thăm Huế ngày một nhiều thì ca Huế trở thành một ngành dịch vụ sinh lợi. Ca Huế được tổ chức biểu diễn trên những chiếc đò, chiếc bằng ở trên sông Hương hàng đêm để phục vụ du khách. Số người thưởng ngoạn tăng lên gấp bội và thay vì “hát mộc, đờn chay” như trước đây, các ca sĩ và nhạc công được trang bị micro và các thiết bị khuếch đại âm thanh để phục vụ đám đông. Từ loại hình ca nhạc thính phòng phục vụ nhu cầu tiêu khiển cho một nhóm người yêu thích nghệ thuật, ca Huế đã trở thành loại hình nghệ thuật đại chúng, một sản phẩm dịch vụ trong kinh doanh du lịch.
Ngoài ra, vật liệu để chế tác các món đồ chơi trong các trò chơi truyền thống cũng có sự thay đổi. Chẳng hạn trong trò chơi xăm hường, do ngà voi bị cấm khai thác và sử dụng, nên người Huế đã dùng xương trâu bò để chế tác các bộ xăm hường; dùng nhựa hay bột đá để làm nên các con súc sắc. Hình thức các thẻ xăm cũng khác trước, từ kiểu dáng, kích thước, độ dày cho đến văn tự và hoa văn trang trí trên các thẻ xăm (22). Trò chơi mạt chược cũng có sự thay đổi, số lượng quân cờ tăng từ 136 quân lên 152 quân, kéo theo sự thay đổi về luật chơi.
Từ năm 2006 đến nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phục dựng 6 trò chơi và thú tiêu khiển trong các chương trình Đêm Hoàng Cung nhân các kỳ Festival Huế và tổ chức thường xuyên trong Đại Nội để phục vụ du khách. Đó là các trò vui: xăm hường, đầu hồ, bài vụ, thả thơ, đố thơ, thưởng trà. Tất cả 6 trò vui này đều có những cải biên so với trước để phù hợp với hoàn cảnh mới. Cụ thể: trò thả thơ thì dùng thơ viết bằng chữ quốc ngữ thay vì thơ chữ Hán, chữ Nôm; trò đố thơ trên lồng đèn thì đáp án được công bố hàng đêm thay vì phải đợi một tuần hoặc một tháng mới công bố như ngày xưa; trò đầu hồ thì người chơi được ném thẳng mũi tên vào miệng bình (hồ) thay vì ném qua một vật trung gian (con ngựa gỗ) như trước đây; trò bài vụ thì thay đổi hình dáng và kích thước con vụ lớn hơn so với trước để người chơi tiện quan sát (vì chơi ban đêm); trò xăm hường thì dùng thẻ xăm bằng gỗ thay cho thẻ xăm bằng xương, bằng ngà; thú uống trà thay đổi một số trà cụ và bàn trà để thuận tiện cho việc phục vụ du khách. Đặc biệt các trò chơi được phục dựng này đều không mang tính đỏ đen, giải thưởng cho người thắng cuộc là các vật phẩm lưu niệm thay cho tiền mặt.
4. Một vài nguyên nhân của sự thay đổi
So với trước đây, trò chơi và thú tiêu khiển ở Huế có những biến đổi rất đáng kể. Có nhiều trò chơi và thú tiêu khiển đã hoàn toàn biến mất khỏi đời sống đương đại của xứ Huế. Một vài trò khác thì còn rất ít người biết chơi và thích chơi. Có tình trạng này là do nhiều nguyên nhân:
– Không còn không gian, địa điểm phù hợp để tổ chức những trò chơi và thú tiêu khiển theo lối xưa.
– Không còn nhiều người biết chơi các trò chơi truyền thống, nhất là các trò chơi có thể lệ phức tạp hay các trò chơi có sử dụng chữ Hán, chữ Nôm.
– Sự thay đổi lối sống, thói quen, sở thích của các tầng lớp “người Huế mới” khiến họ xa dần các trò chơi và thú tiêu khiển trước đây, vốn cầu kỳ, tinh tế, tốn kém thời gian, thậm chí một số trò chơi cao nhã còn đòi hỏi người chơi phải có trình độ học vấn cao.
– Sự xuất hiện ngày càng nhiều các trò chơi, thú giải trí mới, hiện đại hơn, hấp dẫn hơn, tính sát phạt cũng cao hơn khiến người ta không mặn mà với các trò chơi xưa.
– Nhiều trò chơi và thú tiêu khiển trước đây không còn phù hợp với những chuẩn mực đạo đức hay quy định của pháp luật hiện tại.
Đó chính là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mai một, thất truyền hay cải biên các trò chơi và thú tiêu khiển truyền thống trong xã hội đương đại ở Huế.
5. Một vài nhận xét, kiến nghị
Trò chơi, thú tiêu khiển là sản phẩm văn hóa tinh thần do con người sáng tạo ra nhằm thỏa mãn nhu cầu giải trí, nhu cầu tâm lý, sinh lý, giải trí của mình. Trò chơi, thú tiêu khiển có quan hệ mật thiết với sự phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi thời đại. Xã hội thịnh suy, ổn định hay ly loạn đều có quan hệ mật thiết với trò chơi và thú tiêu khiển. Trò chơi và thú tiêu khiển cũng phản ánh phong tục tập quán, phản ánh các điều kiện tự nhiên, xã hội của một vùng đất, một cộng đồng người.
Xem thêm : Tự chủ là gì? Ý nghĩa, biểu hiện và cách rèn luyện tính tự chủ
Trò chơi và thú tiêu khiển truyền thống cần được nhìn nhận là tài sản văn hóa mà tiền nhân để lại cho các thế hệ mai sau. Với quan niệm đó, chúng tôi thấy rằng:
– Cần phải có những công trình nghiên cứu thấu đáo về trò chơi và thú tiêu khiển truyền thống ở Việt Nam nói chung và ở Huế nói riêng (như Nhà xuất bản Văn nghệ Thượng Hải đã đầu tư cho Thái Phong Minh nghiên cứu và biên soạn cuốn Lịch sử trò chơi mà chúng tôi đã đề cập trên đây (23)) để truy tầm lịch sử, nguồn gốc, quá trình phát triển của trò chơi và thú tiêu khiển; đánh giá những tác động của nó đối với kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm phát huy những mặt tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực mà trò chơi và thú tiêu khiển mang lại.
– Chính quyền (hay các cơ quan hữu quan) ở Thừa Thiên Huế nên có kế hoạch tổ chức khảo sát, thống kê toàn bộ di sản trò chơi và thú tiêu khiển truyền thống ở địa phương, từ đó, lựa chọn những trò chơi và thú tiêu khiển phù hợp với đời sống đương đại để tái hiện, chỉ dẫn và tổ chức cho dân chúng thực hành, vui chơi.
– Lập danh mục các trò chơi và thú tiêu khiển truyền thống ở Huế; xây dựng các tiêu chí để thẩm định giá trị và thừa nhận các trò chơi và thú tiêu khiển là những di sản văn hóa phi vật thể để có kế hoạch thích hợp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của trò chơi và thú tiêu khiển truyền thống ở Huế.
– Khuyến khích nhà trường đưa các trò chơi truyền thống lành mạnh vào trong trường học, vừa tạo sân chơi bổ ích cho học sinh, vừa tạo điều kiện cho các em hiểu biết về di sản văn hóa, về phong tục tập quán của địa phương.
– Tại các lễ hội văn hóa, các kỳ Festival Huế, nên tổ chức phục dựng những trò chơi và thú tiêu khiển hấp dẫn và bổ ích, vừa để phục vụ du khách vui chơi, thưởng ngoạn, vừa là cơ hội giới thiệu với du khách thập phương những vốn quý trong kho tàng trò chơi và thú tiêu khiển của xứ Huế.
T.Đ.A.S.
Chú thích:
(1) Nguyên tác: Thái Phong Minh, Du hí sử, Thượng Hải Văn nghệ xuất bản xã, 1997. Bản dịch tiếng Việt: Thái Phong Minh, Lịch sử trò chơi (Cao Tự Thanh dịch), Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2004.
(2) Thái Phong Minh, Lịch sử trò chơi (Cao Tự Thanh dịch), Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2004, tr. 9 – 10.
(3) Thái Phong Minh, Sách đã dẫn, tr. 10 – 12.
(4) Khái niệm trò chơi ở đây tương đương với từ game; còn thú tiêu khiển tương đương với từ pastime hay hobby trong tiếng Anh.
(5) Các địa danh: Huế, xứ Huế có trong bài này được sử dụng để chỉ vùng đất trước kia là thủ phủ của cả xứ Đàng Trong trong hơn 1,5 thế kỷ (1636 – 1788), sau đó là kinh đô của hai vương triều: Tây Sơn (1788 – 1802) và Nguyễn (1802 – 1945), trải dài từ nam Quảng Trị đến bắc Hải Vân (vùng đất này gần như tương ứng với địa giới hành chính của tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay), chứ không bó hẹp trong phạm vi thành phố Huế đương đại, với tư cách là một đơn vị hành chính của tỉnh Thừa Thiên Huế.
(6) Tức là năm 1672. Thực ra năm này là năm Dương Đức thứ nhất, vì vào năm 1671 vua Lê Huyền Tông (niên hiệu Cảnh Trị) thăng hà, vua Lê Gia Tông kế vị đã đổi niên hiệu là Dương Đức và năm 1672 là năm Dương Đức thứ nhất, không phải là năm Cảnh Trị thứ 10 như sách Nam triều công nghiệp diễn chí đã ghi.
(7) Dẫn theo Lê Nguyễn Lưu, “Nhân tố và đặc điểm của văn hóa Huế”, Huế đẹp Huế thơ (Nhiều tác giả), Nxb Thuận Hóa, Huế, 1998, tr. 21.
(8) Trò đăng mê ở Huế gọi là trò đố hình trên lồng đèn.
(9) Trò tự mê ở Huế gọi là trò đố chữ.
(10) Tên của trò chơi này là ù mọi. Chữ mọi là lối nói miệt thị của người dân vùng đồng bằng các tỉnh Trung Trung Bộ (bao gồm cả Huế) trước đây dùng để chỉ các sắc dân thiểu số sống ở khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên. Chữ mọi không có trong vốn từ của người dân Bắc Bộ. Vì thế, có ý kiến cho rằng trò chơi ù mọi không có gốc gác từ miền Bắc Việt Nam.
(11) Những hình vẽ trên bộ bài tới rất kỳ bí. Trò chơi này lại phổ biến ở các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên… là những vùng xưa kia thuộc vương quốc Champa. Vì thế có ý kiến cho rằng những hình vẽ trên bộ bài tới có quan hệ mật thiết với văn hóa Champa.
(12) Thậm chí trong một bộ xăm hường bằng ngà của vua Tự Đức hiện còn lưu giữ ở Huế, trên thẻ trạng nguyên có khắc thể lệ chơi xăm hường bằng chữ Hán.
(13) Dương Văn An, Ô châu cận lục (Bản dịch của Trịnh Khắc Mạnh và Nguyễn Văn Nguyên), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1997, tr. 47.
(14) Về cách phân loại trò chơi, Thái Phong Minh cho biết: “Nhà nhân loại học văn hóa nổi tiếng thế giới J. La Bá Tư từng chia trò chơi thành ba loại theo đặc trưng tâm lý, sinh lý: 1. Trò chơi có tính kỹ xảo thể dục, 2. Trò chơi có tính sách lược, 3. Trò chơi có tính đầu cơ. Cách phân loại này xuất phát từ bản chất sinh lý của trò chơi, căn cứ vào đặc điểm khác nhau về sinh lý và cơ chế tâm lý của trò chơi mà phân chia chủng loại, có tính khoa học khá cao”. Thái Phong Minh, Sách đã dẫn, tr. 58.
(15) Thái Phong Minh cho rằng cách phân loại của J. La Bá Tư khó bao quát hết các trò chơi từng xuất hiện và tồn tại trong lịch sử Trung Hoa. Vì thế trong cuốn Lịch sử trò chơi, Thái Phong Minh dựa vào tính chất và chức năng của trò chơi để chia trò chơi ở Trung Quốc thời cổ thành năm nhóm: đọ sức, so tài khéo, đấu trí, ức đoán và cờ bạc. Thái Phong Minh, Sách đã dẫn, tr. 58.
(16) Thái Phong Minh, Sách đã dẫn, tr. 5 – 6.
(17) Trần Đức Anh Sơn, Trò chơi và thú tiêu khiển của người Huế, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008, tr. 115 – 116.
(18) Trần Đức Anh Sơn, Sách đã dẫn, tr. 119 – 120.
(19) Trần Đức Anh Sơn, Sách đã dẫn, tr. 122.
(20) Trần Đức Anh Sơn, “Hồn Tết xưa”, Cổ vật tinh hoa, Số 22, Tháng 1/2008.
(21) Đây là các món cờ bạc sử dụng bộ bài tây (bài tu – lơ – khơ theo cách gọi của người Bắc) để chơi, có tính sát phạt và đỏ đen rất cao
(22) Tên các thẻ xăm trong bộ xăm hường hiện nay không còn khắc bằng chữ Hán như trước đây, thay vào đó, người ta khắc các chữ số Ả Rập hay khắc các dấu chấm, dấu vạch để biểu thị giá trị tương ứng của từng loại thể xăm. Ví dụ trên thẻ trạng nguyên khắc số 32, trên thẻ bảng nhãn và thám hoa khắc số 16, trên thẻ hội nguyên khắc số 8, trên thẻ tiến sĩ khắc số 4; còn trên thẻ cử nhân thì khắc 2 chấm (hoặc 2 vạch), thẻ tú tài khắc 1 chấm (hoặc 1 vạch).
(23) Nhà xuất bản Văn nghệ Thượng Hải đã xây dựng tủ sách Trung Quốc xã hội dân tục sử tùng thư bằng cách đầu tư kinh phí cho các học giả Trung Hoa nghiên cứu và biên soạn các cuốn sách viết về lịch sử cổ tục và phong hóa Trung Hoa. Đến nay tủ sách này đã có hàng chục đầu sách như: Lưu manh sử (Lịch sử lưu manh); Kỹ nữ sử (Lịch sử kỹ nữ); Khất cái sử (Lịch sử ăn mày); Nô tì sử (Lịch sử nô tì); Thương cổ sử (Lịch sử thương nhân); Tuyển mỹ sử (Lịch sử tuyển chọn người đẹp); Lưu dân sử (Lịch sử lưu dân); Tiền trang sử (Lịch sử tiền trang); Đổ bác sử (Lịch sử cờ bạc); Du hý sử (Lịch sử trò chơi…). Những cuốn này đã được dịch giả Cao Tự Thanh dịch sang tiếng Việt và được Nhà xuất bản Trẻ và Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản trong các năm 2001 – 2004.
Tài liệu tham khảo:
Dương Văn An (1997), Ô châu cận lục (Bản dịch của Trịnh Khắc Mạnh và Nguyễn Văn Nguyên), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Lê Nguyễn Lưu (1998), “Nhân tố và đặc điểm của văn hóa Huế”, in trong: Huế đẹp Huế thơ (Nhiều tác giả), Nxb Thuận Hóa, Huế.
Thái Phong Minh (2004), Lịch sử trò chơi (Cao Tự Thanh dịch), Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
Trần Đức Anh Sơn (2008), Trò chơi và thú tiêu khiển của người Huế, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trần Đức Anh Sơn (2008), “Hồn Tết xưa”, Cổ vật tinh hoa, Số 22, Tháng 1.
Nguồn: https://mamnonmangnon.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục