Bầu 3 tháng đầu hay bị đau bụng có nguy hiểm hay không sẽ tùy thuộc vào mức độ đau và các dấu hiệu đi kèm. Mẹ bầu không nên quá căng thẳng nhưng cần theo dõi kỹ lưỡng các triệu chứng của mình để có hướng xử lý đúng và kịp thời. Hãy cùng Tổ hợp y tế MEDIPLUS tìm hiểu chi tiết hơn về vấn đề này nhé!
Xem thêm:
Bạn đang xem: Bầu 3 tháng hay bị đau bụng – Việc nên làm ngay
- Mang thai 3 tháng đầu bị sôi bụng có nguy hiểm không?
- Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu bị táo bón – 5 sai lầm khi điều trị
- Bầu 3 tháng đầu bị tiêu chảy – Top 6 việc cần làm ngay
1. Bầu 3 tháng hay bị đau bụng có nguy hiểm cho thai nhi không?
Mẹ bầu mang thai 3 tháng đầu nếu chỉ có căng tức bụng dưới hoặc đau bụng lâm râm thì không nên quá lo lắng vì đây là hiện tượng bình thường và không nguy hiểm. Triệu chứng này là dấu hiệu của trứng được thụ tinh bám vào niêm mạc tử cung, làm tổ thành công, đồng thời là hệ quả của việc nôn ọe thường xuyên do nghén.
Tuy nhiên, nếu mẹ bầu đau bụng có kèm theo các triệu chứng sau hãy đến bệnh viện ngay để được kiểm tra:
- Đau dữ dội, khắp vùng bụng, xuất huyết, buồn nôn, chóng mặt: nguyên nhân có thể do mang thai ngoài tử cung, khối thai đã bị vỡ do không phát hiện sớm.
- Đau từng cơn giống như co thắt, đau không giảm, xuất hiện máu đỏ tươi hoặc vón cục từ âm đạo: dấu hiệu của dọa sảy thai và sảy thai.
- Đau bụng trên, thường là dưới xương sườn bên phải, đi ngoài và buồn nôn: dấu hiệu của tiền sản giật. Nếu kèm ra dịch nhầy màu nâu thì có thể thai chết lưu, mẹ cần đến bệnh viện ngay lập tức.
- Ra máu đỏ tươi kèm theo buồn nôn, nôn nghiêm trọng… có thể là dấu hiệu của bệnh lý tế bào nuôi (chửa trứng). Đây là hiện tượng mà mô tăng trưởng bất thường hoặc tạo thành khối u trong tử cung thay vì phát triển thành nhau thai như bình thường. Ra máu màu nâu, lượng máu nhiều kèm đau bụng dưới nên lưu ý vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.
Nhìn chung, các triệu chứng trên là dấu hiệu của một số nguy cơ như: thai ngoài tử cung, dọa sảy thai sớm, thai chết lưu…đều có thể đe dọa đến tính mạng của mẹ và bé. Do đó mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý theo dõi các dấu hiệu bất thường đi kèm với đau bụng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời.
2. Nguyên nhân khiến mẹ bầu hay đau bụng khi mang thai 3 tháng đầu
Có rất nhiều nguyên nhân khiến mẹ bầu đau bụng trong tam cá nguyệt đầu tiên được chia thành 2 nhóm chính:
Nhóm nguyên nhân do thay đổi sinh lý
- Ốm nghén: Sự gia tăng progesterone và estrogen tác động đến dạ dày, ruột và thực quản gây ra các cơn ốm nghén. Khi đó mẹ bầu sẽ buồn nôn, nôn dẫn đến tình trạng co thắt vùng bụng gây nên căng tức bụng.
- Căng cơ và dây chằng: do tử cung giãn ra khi thai nhi lớn dần. Khi đó, tử cung sẽ tạo áp lực lên các cơ và dây chằng khiến mẹ thấy đau, căng tức phần bụng. Đặc biệt khi ho, cử động mạnh, đứng dậy hoặc ngồi xổm mẹ sẽ thấy rõ cơn đau.
- Táo bón: Sự thay đổi hormon và tử cung ngày một to hơn làm ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa. Điều này dẫn đến táo bón, khó tiêu, đầy hơi kèm theo căng tức ở bụng.
- Cơn gò sinh lý Braxton Hick: Cảm giác căng tức ở vùng bụng dưới, chỉ kéo dài khoảng 30 giây khi xuất hiện và không đều. Nếu mẹ đặt tay lên bụng sẽ cảm thấy tử cung thắt lại và dẫn giãn ra. Khi mẹ bầu thay đổi tư thế thì cảm giác này sẽ giảm dần.
- Mất nước: là một hệ quả của nghén, khi lượng nước bị mất lớn hơn nhiều so với lượng nước nạp vào cơ thể. Đây cũng là một nguyên nhân gây ra cơn gò sinh lý Braxton Hick. Do đó mẹ lưu ý cần uống nhiều nước (nước tiểu có màu vàng nhạt hoặc không màu) có thể giúp giảm tần suất cơn đau.
Nhóm nguyên nhân bệnh lý
- Chửa ngoài tử cung: Triệu chứng ban đầu thường không rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn như trễ kinh hay ra máu giống với kỳ kinh. Các cơn đau thường ở một bên bụng dưới, bạn sẽ cảm thấy đặc biệt khó chịu khi đi vệ sinh. Nếu bụng dưới và vai bị đau dồn dập thì có thể là dấu hiệu của vỡ khối thai ngoài tử cung.
- Dấu hiệu dọa sảy thai: ra máu âm đạo (máu đỏ hoặc đen, lượng ít có thể kéo dài nhiều ngày, máu thường lẫn với dịch nhầy), đau bụng (cảm giác tức, nặng bụng dưới), đau lưng,…
- Viêm đường tiết niệu: có thể đau ở vùng bụng dưới, đau trên khớp mu, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu nhiều lần, nước tiểu đục hoặc có máu mùi hôi,… Nếu có sốt, rét run, tiểu máu, đau một bên hông hoặc hai bên (lúc khám) có thể nhiễm trùng đường tiểu đã lên đến thận.
- Viêm ruột thừa: Có thể xảy ra ở bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ, một số dấu hiệu nhận biết như: đau vùng hố chậu phải, sốt, mạch nhanh, nôn,…
- Nhiễm ký sinh trùng đường ruột (giun): Loại ký sinh thường gặp là giun đũa. Mẹ bầu có thể thấy đau bụng khi đói, đau nhiều về đêm gần sáng, đau bụng dữ dội hơn nếu giun chui vào ống mật hoặc ruột thừa.
3. Cách giảm đau bụng nhanh cho mẹ bầu
- Dùng túi chườm ấm: nhiệt giúp giãn cơ, tăng cường sự lưu thông các mạch máu do đó đặc biệt hiệu quả trong trường hợp đau do căng dây chằng và các cơn gò Braxton Hicks.
- Massage lưng, chân hoặc toàn thân: giúp kích thích lưu thông máu, thư giãn các cơ và nhờ đó cơn đau bụng sẽ dần biến mất. Mẹ có thể nhờ ông xã hoặc người thân xoa nhẹ nhàng dọc từ cột sống xuống vùng hông và hai bên mạn sườn hoặc đến các tiệm massage sẽ đem lại hiệu quả bất ngờ đó.
- Nếu bị đau bên trái: khi này, mẹ hãy thử thay đổi tư thế, nằm nghiêng sang phải và gác chân lên sẽ mang lại hiệu quả giảm cơn đau rõ rệt.
- Nghỉ ngơi, tinh thần thoải mái: khi mang thai, hầu hết các mẹ bầu đều có cảm giác lo lắng, bồn chồn, điều này vô tình khiến các cơn đau trở nên nặng hơn. Cố gắng giữ tinh thần thư thái, tránh thức khuya, nếu có thể hãy tham gia câu lạc bộ dành cho bà bầu, mẹ có thể tìm thấy rất nhiều lời khuyên hữu ích đó!
4. Cách phòng ngừa cơn đau quay lại
Mẹ bầu cần theo dõi các triệu chứng của mình. Nếu có thể hãy đến thăm khám bác sĩ để xác định chính xác nguyên nhân gây đau bụng, từ đó có cách phòng ngừa hiệu quả. Một số biện pháp tương ứng với nguyên nhân để mẹ tham khảo:
Xem thêm : Bầu 3 tháng đầu ăn mắm nêm được không?
Với nguyên nhân do nghén (nôn nhiều)
Giảm tiếp xúc với yếu tố kích thích nôn: với một số người, đó có thể là mùi chiên xào thức ăn, mùi thuốc lá, mùi mỹ phẩm, thậm chí có một số mẹ trở nên sợ thức ăn mà họ quen dùng bấy lâu nay.
Bổ sung dinh dưỡng bị thiếu hụt: qua sữa, viên uống vitamin tổng hợp và khoáng chất có tham khảo ý kiến bác sĩ. Bên cạnh đó, ngoài 3 bữa ăn chính mẹ nên dùng thêm các bữa ăn phụ sau mỗi vài giờ, tránh để mình bị đói.
Với nguyên nhân do táo bón
Uống đủ nước: nước không chỉ cung cấp các ion cần thiết mà còn giảm đau bụng dưới hiệu quả. Mẹ nên uống từ 2,5 – 3 lít nước mỗi ngày, có thể tăng lên trong những ngày nóng bức để tránh tình trạng mất nước.
Bổ sung nhóm thực phẩm giúp nhuận tràng: như sữa chua, các loại trái cây như nho, đu đủ chín, táo và các thực phẩm nhiều chất xơ như khoai lang, cà rốt, rau xanh…sẽ giúp mẹ giảm tình trạng táo bón gây đau bụng.
Vận động nhẹ nhàng sau ăn: giúp kích thích tiêu hóa. Mẹ có thể đi dạo, tránh nằm ngay sau khi ăn. Ngoài ra, tích cực tập các bài yoga nhẹ nhàng cho phụ nữ mang thai sẽ giúp mẹ giãn cơ, ngăn chặn cơn đau.
Với nguyên nhân nhiễm trùng đường tiểu
Mẹ bầu sẽ cần dùng thuốc để điều trị. Do đó khi thấy có dấu hiệu nhiễm trùng đường tiểu, mẹ bầu cần đi khám bác sĩ để được can thiệp kịp thời.
Xem thêm : Bầu ăn rau đay được không? Lợi ích của rau đay đối với sức khỏe
Ngoài ra, mẹ bầu cần nghỉ ngơi để tinh thần thư thái, tránh căng thẳng, không đứng ngồi quá lâu 1 tư thế, không làm việc nặng và quan hệ tình dục nhẹ nhàng.
5. Lưu ý quan trọng khi bị đau bụng trong 3 tháng đầu thai kỳ
Đau bụng trong tháng 3 tháng đầu là một triệu chứng thường gặp và có rất nhiều nguyên nhân gây ra. Tuy nhiên mẹ bầu không được chủ quan, một số lưu ý mà mẹ cần ghi nhớ bao gồm:
- Tuyệt đối không tự ý uống thuốc (cả thuốc tây, thuốc có nguồn gốc thảo dược và thuốc dân gian) khi chưa có sự cho phép của bác sĩ, dù là loại thuốc có thể dùng cho phụ nữ mang thai.
- Quan sát kỹ các biểu hiện kèm theo đau bụng. Nếu xuất hiện một trong các triệu chứng như đau dữ dội, không thuyên giảm, nôn, ra máu âm đạo, đi ngoài nhiều lần… mẹ bầu cần đến bệnh viện để kiểm tra và có hướng xử lý kịp thời.
- Khám thai định kỳ: giúp theo dõi đồng thời sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. 3 mốc quan trọng mẹ cần đặc biệt lưu ý bao gồm tuần 11-13, tuần 20-24 và tuần 30-32. Bên cạnh đó mẹ bầu nên đến khám khi thấy có các dấu hiệu bất thường.
6. Hỏi đáp về đau bụng khi mang thai 3 tháng đầu
Câu hỏi 1: Ra máu và đau bụng khi mang thai tháng đầu có nguy hiểm không? Cần làm gì?
MEDIPLUS trả lời: Triệu chứng ra máu kèm đau bụng là dấu hiệu nguy hiểm. Đây có thể là dấu hiệu của thai ngoài tử cung, dọa sảy thai sớm… đe dọa tính mạng của mẹ và bé. Do đó mẹ bầu cần tới bệnh viện ngay để được kiểm tra.
Câu hỏi 2: Mang thai 7 tuần bị đau bụng lâm râm nguyên nhân do đâu?
MEDIPLUS trả lời: Nếu mẹ bầu đau bụng lâm râm ở tuần thứ 7 thai kỳ mà không kèm theo các triệu chứng khác thì đây là tình trạng bình thường. Có thể đau là do căng cơ và dây chằng khi phải nâng đỡ tử cung ngày một to lên. Khi mẹ bầu ho, thay đổi tư thế đứng lên ngồi xuống sẽ có cảm giác đau rõ hơn.
Tuy nhiên, nếu tình trạng đau thường xuyên kéo dài, chuyển sang dữ dội hoặc kèm theo các triệu chứng bất thường khác như: ra máu, đau lưng, buồn nôn, choáng,… thì mẹ cần đi khám ngay. Đây là dấu hiệu nguy hiểm cảnh báo thai ngoài tử cung, dọa sảy thai…Mẹ cần chú ý theo dõi tình trạng và báo với bác sĩ để được xử lý kịp thời.
Hy vọng tất cả thông tin trên giải đáp thắc mắc về bầu 3 tháng đầu hay bị đau bụng. Mẹ bầu cần theo dõi tình trạng đau bụng và các dấu hiệu kèm theo để có hướng xử lý đúng và kịp thời. Nếu còn thắc mắc và tư vấn thêm, vui lòng gọi đến số Hotline 1900 3366 để được các chuyên gia MEDIPLUS giải đáp chi tiết và nhanh nhất.
*Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa!
Nguồn: https://mamnonmangnon.edu.vn
Danh mục: Mẹ và bé